Đền thờ Tả_Ao

Có rất nhiều truyền thuyết, giai thoại được sách vở ghi lại, nhất là giai thoại khi Tả Ao mất, táng ở "ngôi Huyết thực" để được một làng cúng tế. Thực tế, cũng chưa thấy ở đâu (kể cả ở quê hương) có đền thờ Tả Ao và cũng không thấy Tả Ao được phong thần. Hiện nay, có lẽ là duy nhất ở thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên có thờ Tả Ao. Đền Nam Trì nguyên thờ tam vị Thượng đẳng phúc Thần: Thừa tướng Lữ Gia (Bảo Công), tướng Nguyễn Danh Lang (Lang Công), Cao Biền (Cao Vương) và Tả Ao gắn với Lễ hội Nam Trì (hay Lễ hội: Bảo, Lang, Biền). Trong danh sách 7 vị thần thờ ở đền Nam Trì (3 vị trên và 1 vị phu nhân Lữ Gia và 2 vị phu nhân Cao Biền) thì vị thứ 7 là Nguyễn Lang nhưng thực tế ở Nam Trì thì chỉ biết vị thứ 7 là Tả Ao chứ không biết Nguyễn Lang là ai.

Theo lịch sử và thần tích thờ tự đền Nam Trì thì khi Tả Ao giúp dân làng lập lại làng, chuyển chùa, đền thờ về phía Tây Nam; nhớ công ơn Tả Ao dân làng Nam Trì đã tôn Tả Ao là vị Bản cảnh Thành hoàng và thờ cùng tam vị Thượng đẳng phúc Thần từ đó đến nay. Hiện trong đền Nam Trì có câu đối của Tả Ao tả về địa lý, phong thuỷ làng Nam Trì: Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền nghĩa là phía tây của đường làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc (hướng tây bắc hành kim) - phía đông làng có sông nước tụ làng nhìn về hướng đông nam (hướng đông nam hành mộc).